Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật đầu tư 2020
Các hình thức đầu tư tại Việt Nam theo Luật đầu tư 2020 bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; thực hiện dự án đầu tư; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện của nhà đầu tư
Hiện nay, chưa có quy định nào về điều kiện chung của nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam mà pháp luật chỉ quy định điều kiện của nhà đầu tư đối với từng hình thức đầu tư cụ thể.
Do đó, khi thực hiện đầu tư các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện mà hình thức đầu tư tương ứng đặt ra.
Hình thức đầu tư
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật đầu tư 2020 thì có 05 hình thức đầu tư, gồm:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật đầu tư 2020 thì nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau:
Đối với nhà đầu tư trong nước:
- Thực hiện thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN):
- Phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 Luật đầu tư 2020;
- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, NĐTNN phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Chi tiết về điều kiện, trình tự thực hiện xem tại: ĐẦU TƯ THÀNH LẬP TỔ CHỨC KINH TẾ TẠI VIỆT NAM
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư (NĐT) có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật đầu tư 2020 thì NĐT thực hiệm góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thông qua các hình thức sau:
Hình thức góp vốn vào tổ chức kinh tế
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc 02 trường hợp trên.
Hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc 03 trường hợp trên.
Chi tiết về điều kiện, trình tự thực hiện xem tại: ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN, MUA PHẦN VỐN GÓP
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật đầu tư 2020.
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Thực hiện dự án đầu tư
Căn cứ Mục 2, Mục 3 Chương IV Luật Đầu tư 2020 quy định về quá trình để nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam gồm những bước cơ bản như sau:
– Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư
– Nộp hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
– Nếu được chấp thuận dự án đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI