Điều kiện tách thửa đất tại tỉnh Đồng Nai năm 2022
Điều kiện tách thửa tại Đồng Nai sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để ban hành. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về Quy định tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022.
Điều kiện chung
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai thì điều kiện chung tách thửa đất gồm:
- Thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy tờ sau đây được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Thửa đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.
3. Diện tích thửa đất tách thửa thuộc trường hợp chưa có thông báo thu hồi đất hoặc chưa có quyết định thu hồi đất.
4. Việc tách thửa đất phải gắn với thực hiện các quyền của người sử dụng đất như:
- Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho;
- Góp vốn bằng quyền sử dụng một phần thửa đất;
- Tách thửa để chuyển mục đích sử dụng theo quy định pháp luật đất đai.
5. Nhóm người nhận chuyển QSDĐ (đồng sử dụng) thì QSDĐ phải đảm bảo phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm theo diện tích tối thiểu được phép tách thửa, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều kiện riêng
Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất được quy định tại Điều 4 Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai như sau:
Đối với đất ở
– Thửa đất sau tách thửa phải có một cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định này), chiều rộng cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông cụ thể như sau:
- Cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m (năm mét) đối với đường giao thông công cộng có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19m (mười chín mét);
- Cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 4m đối với đường giao thông công cộng có lộ giới nhỏ hơn 19m (mười chín mét) hoặc chưa có quy định lộ giới giao thông.
– Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với:
- Đất ở tại đô thị (kể cả xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa): 60m2 (sáu mươi mét vuông);
- Đất ở tại nông thôn: 80m2 (tám mươi mét vuông).
– Trường hợp thửa đất thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thì việc tách thửa phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.
Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở
– Điều kiện, diện tích tối thiểu tương tự như trường hợp tách thửa đối với đất ở và phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng;
– Trường hợp thửa đất được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì việc tách thửa phải được sự chấp thuận của cơ quan chấp thuận đầu tư.
Đối với đất nông nghiệp
– Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với:
- Đất nông nghiệp tại đô thị (kể cả xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa): 500m2 (năm trăm mét vuông);
- Đất nông nghiệp tại nông thôn: 2000m2 (hai nghìn mét vuông).
– Thửa đất nông nghiệp sau tách thửa phải:
- Tiếp giáp với đường giao thông công cộng;
- Hoặc đảm bảo dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại Khoản 3 Điều 254 Bộ luật dân sự; và phải thực hiện đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 95, Điều 171 Luật đất đai, lối đi này không phải là đường giao thông công cộng.
Tách thửa đối với trường hợp cá biệt
Theo quy định tại Điều 7 Quyết định này, trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo điều kiện cụ thể về kích thước cạnh thửa đất, diện tích tối thiểu theo quy định nhưng thuộc trường hợp:
- Hộ nghèo (theo tiêu chuẩn chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành);
- Trong hộ có người bị bệnh hiểm nghèo (theo Phụ lục IV Danh mục các bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ);
- Các trường hợp cá biệt khác.
=> Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét cho phép tách thửa từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho phép tách thửa.
Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa
Thẩm quyền cho phép tách thửa
- Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, cho phép tách thửa đối với người sử dụng đất là tổ chức.
- Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, cho phép tách thửa đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.
Lưu ý: trường hợp cho phép tách thửa đối với trường hợp đặc biệt nêu trên, Chủ tịch UBND cấp huyện không được ủy quyền cho Phó Chủ tịch.
Hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa gồm:
- Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu số 11/DK;
- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.
Trình tự thực hiện
- Nộp hồ sơ tại:
- UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất;
- Hoặc: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu địa phương chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Đối với nơi đã thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính thì nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa.
2.Tiếp nhận hồ sơ
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ, trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
3. Giải quyết yêu cầu.
4.Trả kết quả
- Kết quả phải trả cho người sử dụng đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Thời gian giải quyết
- Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục tách thửa không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI