TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Có thể nói rằng: đất đai (quyền sử dụng đất) là một loại tài sản rất đặc biệt trong của người dân Việt Nam. Loại tài sản này là đối tượng của nhiều giao dịch có giá trị cao với đa dạng các quan hệ pháp luật dẫn đến việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp.

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”.

Vậy tranh chấp về đất đai và những điều cần biết, các bạn cùng tìm hiểu qua nội dung bên dưới:

I – MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRỞ LÊN PHỨC TẠP

Về phương diện lịch sử : Đất đai là tài sản được định hình từ tự nhiên, con người chỉ khai phá để sử dụng đất chứ không thể tạo ra đất và qua thời gian thì đất đai đã trải qua hàng ngàn đời với nhiều thế hệ quản lý, sử dụng. Do vậy, ngay giữa các thế hệ sử dụng đất này cũng đã có thể phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất với nhau về nguồn gốc đất.

Về phương diện địa lý: Đất đai là loại tài sản bất di bất dịch (bất động sản), tuy nhiên khi xác định quyền sử dụng đất là một tài sản thì đi kèm với đó là phải xác định được hình thể, kích thước theo mốc, ranh giới cụ thể. Và đối với những quyền sử dụng đất có diện tích lớn, ranh giới không rõ ràng, người sử dụng đất lơ là quản lý thì đó cũng là điều kiện để người khác lấn chiếm và phát sinh tranh chấp.

Về phương diện chính sách pháp luật: Luật đất đai lần đầu được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987, tính đến nay Luật đất đai đã trải qua nhiều lần sửa đổi, ban hành mới vào các năm 1993, 1998, 2001, 2003, 2009, 2010, 2013, cùng với đó là sự ra đời, sửa đổi, bổ sung của rất nhiều Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch,….dẫn đến việc quản lý và giải quyết tranh chấp đất đai trở nên là một vấn đề phức tạp bậc nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Việc quản lý đất đai dựa trên các quy định pháp luật được sửa đổi, bổ sung liên tục cũng dẫn đến việc phát sinh các tranh chấp về đất đai, không chỉ giữa người dân với người dân mà còn cả người dân và cơ quan quản lý về đất đai.

Về phương diện quản lý nhà nước:  Việc quản lý nhà nước về đất đai cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp đất đai. Nguyên nhân khách quan có thể kể đến là do phương tiện kỹ thuật về đo đạc, lập bản đồ địa chính qua các thời kỳ có sự khác nhau, từ phương tiện lạc hậu cho kết quả thiếu chính xác đến phương tiện hiện đại cho sai số thấp như hiện nay. Nhưng cũng không thể nhắc đến những nguyên nhân chủ quan là việc lợi dụng chính sách quản lý chưa chặt chẽ để trục lợi, việc này diễn ra không chỉ đối với những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý về đất đai mà còn đối với cả người dân.

Bởi vì những nguyên nhân nêu trên mà có lẽ tranh chấp đất đai cũng có rất nhiều hình thái khác nhau, việc giải quyết tranh chấp đất đai trở nên rất phức tạp.

II – NHỮNG DẠNG TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Đối với khái niệm tại Điều trên thì tranh chấp đất đai có phạm vi rất rộng. Cụ thể rằng tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Hay nói cách khác, tranh chấp đất đai có thể diễn ra giữa người dân và người dân và cũng có thể giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.

Tranh chấp về quyền sử dụng đất

Tranh chấp về quyền sử dụng đất là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau để xác định một phần hoặc toàn bộ thửa đất là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của một trong các bên tranh chấp. Dạng tranh chấp này có thể do một bên đòi quyền sử dụng đất từ người khác đang sử dụng bất hợp pháp hoặc cũng có thể là tranh chấp giữa các chủ sử dụng đất về ranh giới của các thửa đất liền kề. Để giải quyết dạng tranh chấp này thì cần phải làm rõ nguồn gốc của đất, quá trình biến động đất đai đến thời điểm tranh chấp, hiện trạng sử dụng đất và quy định pháp luật của từng thời kỳ,…

Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất

Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất xuất phát từ việc quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản. Do vậy người sử dụng đất sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như quyền chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn, thừa kế,….. Để thực hiện các quyền này thì quyền sử dụng đất sẽ tham gia vào các giao dịch dân sự với vai trò là đối tượng giao dịch từ đó có thể phát sinh tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp đối với dạng tranh chấp này sẽ căn cứ theo quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ về từng giao dịch dân sự cụ thể.

Tranh chấp hành chính liên quan đến đất đai

Tranh chấp hành chính liên quan đến đất đai là tranh chấp phát sinh giữa cơ quan quản lý hành chính về đất đai và người dân trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật đất đai qua từng thời kỳ. Trong thực tế việc triển khai các chính sách pháp luật về đất đai là rất phức tạp và có thể dẫn đến sái sót gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp đối với người dân như việc thu hồi, đền bù quyền sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… Để giải quyết những tranh chấp này thì cần nắm rõ quy định pháp luật về chủ trương của nhà nước và trình tự thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính.

 

KẾT LUẬN: Trong bối cảnh giá trị đất đai ngày càng cao, quyền sử dụng đất đang là tài sản tham gia vào hầu hết các giao dịch thì tranh chấp liên quan đất đai cũng phát sinh ngày một nhiều hơn và chiếm phần lớn các tranh chấp, kiếu kiện, khiếu nại mà các cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết. Như đã phân tích ở trên, tranh chấp đất đai luôn phức tạp, do vậy việc hiểu rõ về nguyên nhân phát sinh tranh chấp và phân loại tranh chấp có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết tranh chấp về sau.

Liên hệ Luật sư giải quyết tranh chấp về đất đai theo HOTLINE: 0986 277991

Xem thêm: