Các loại tranh chấp đất đai thường gặp hiện nay
Các loại tranh chấp đất đai thường gặp hiện nay về bản chất là những tranh chấp về việc xác định ai là người có quyền hợp pháp đối với đất đai. Vậy, tranh chấp đất đai là gì? Những loại tranh chấp đất đai nào thường gặp hiện nay?
Tranh chấp đất đai là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013, thì tranh chấp đất đai là:
- Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất
- Giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Khái niệm này không thực sự rõ ràng nên không ít người bị nhầm trong việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai.
Về bản chất thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về xác định ai là người có quyền hợp pháp đối với đất đai.
Các loại tranh chấp đất đai phổ biến
Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP có quy định như sau:
“2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Như vậy, tranh chấp đất đai được phân chia thành 02 loại phổ biến là:
- Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất;
- Tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất.
Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất
Đây là tranh chấp phát sinh có liên quan đến nguồn gốc đất, ranh giới thửa đất và cần xác định quyền sử dụng đất này thuộc về ai.
1. Các trường hợp phổ biến thuộc loại tranh chấp này là:
– Tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất:
- Đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ mà do nhiều nguyên nhân khác nhau họ không còn quản lý, sử dụng nữa.
– Tranh chấp đòi lại nhà, đất cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ:
- Nhiều trường hợp không làm hợp đồng, chỉ giao kết bằng miệng dẫn đến khi bên cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ hoặc là hết hạn hợp đồng hoặc đòi lại, bên mượn, thuê, ở nhờ đã xây dựng nhà kiên cố, một số có tên trong sổ địa chính hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc tranh chấp càng trở nên phức tạp, dẫn đến việc công dân khiếu kiện các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất.
- Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác.
- Những trường hợp tranh chấp này xảy ra thường do ranh giới đất giữa những người sử dụng đất liền kề không rõ ràng, đất này thường sang nhượng nhiều lần, bàn giao không rõ ràng.
- Xảy ra nhiều khi do lỗi của các cơ quan nhà nước, đó là khi cấp đất, cơ quan cấp đất có ghi diện tích, nhưng không đo đạc cụ thể khi giao đất chỉ căn cứ vào giấy cấp đất và đơn kê khai diện tích của đương sự. Sau này khi đương sự đo lại thấy diện tích đất ít hơn so với quyết định cấp đất cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phần diện tích chồng lên nhau. Do đó cũng gây nên tranh chấp giữa các hộ liền kề nhau.
2. Thủ tục giải quyết
- Bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn nơi có đất) trước khi khởi kiện hoặc yêu cầu UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết.
- Nếu hòa giải không thành thì giải quyết theo 02 hình thức:
- Khởi kiện tại Tòa án nơi có đất xảy ra tranh chấp hoặc
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tại UBND nhân dân cấp huyện, tỉnh.
Tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất
Là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến đất đai như giao dịch, di sản thừa kế, tài sản chung là quyền sử dụng đất.
1. Các trường hợp phổ biến thuộc loại tranh chấp này:
– Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho…);
– Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất;
– Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn.
2. Thủ tục giải quyết:
- Không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện.
- Khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết theo điều khoản có quy định tại hợp đồng (đối với tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất) hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Xem thêm: THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI