Giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Giấy chứng nhận
1. Thế nào là tranh chấp đất đai?
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 định nghĩa về tranh chấp đất đai như sau “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”
2. Các dạng tranh chấp đất đai hiện nay
Hiện nay, Tranh chấp đất đai có 2 dạng: Tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp phát sinh đến quyền sử dụng đất
3. Khi xảy ra tranh chấp phải làm như thế nào?
Khi xảy ra tranh chấp đất đai, điều đầu tiên phải tiến hành thủ tục bắt buộc là thủ tục hòa giải tại địa phương. Căn cứ tại Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định như sau:
- Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Nếu việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương không thành, căn cứ Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tiến hành các bước tiếp theo như sau:
“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”
Do đó, trường hợp tranh chấp đất đai không có Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì sẽ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp là UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự.
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI