Hướng dẫn về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại điều 150 và 151 bộ luật hình sự
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật hình sự về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi bao gồm: có tổ chức, vì động cơ đê hèn, có tính chất chuyên nghiệp,…. Vậy, pháp luật giải thích, định nghĩa thế nào đối với các tình tiết tăng nặng nêu trên?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP về một số tình tiết định khung hình phạt thì:
Phạm tội có tổ chức:
Là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.
Phạm tội vì động cơ đê hèn:
Là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.
Ví dụ: Nguyễn Văn A mang Nguyễn Thị C (là người yêu của A) đi bán cho người khác sau khi biết C có thai với mình.
Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng được coi là đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân.
Phạm tội 02 lần trở lên:
Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Ngày 15-6-2018, Nguyễn Văn A có hành vi mua bán người. Ngày 20-7-2018, A lại có hành vi mua bán người và bị bắt giữ. Cả hai lần phạm tội trên, Nguyễn Văn A đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán người theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
Có tính chất chuyên nghiệp:
Là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn sống chính.
Đã lấy bộ phận cơ thế của nạn nhân:
Là trường hợp người phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bán Nguyễn Thị C cho Nguyễn Văn B. B đã lấy giác mạc của C.
Trên đây là hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật hình sự về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI