Người dưới 14 tuổi phạm tội bị phạt thế nào?
Người dưới 14 tuổi phạm tội thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp mà có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
1. Về trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:
Người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự.
Xem thêm: BAO NHIÊU TUỔI THÌ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?
2. Về trách nhiệm xử phạt hành chính
Người dưới 14 tuổi phạm tội gì thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính?
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật hình sự thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Tuy nhiên, các biện pháp xủ lý hành chính này không áp dụng đối với người nước ngoài.
Các biện pháp xử lý hành chính
a) Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.
Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
- 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
b) Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:
- 01 năm, kể từ ngày cá nhận thực hiện hành vi vi phạm
Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính
Giáo dục dựa vào cộng đồng
Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục.
Thời hạn áp dụng: từ 06 tháng đến 24 tháng
3. Trách nhiệm dân sự
Trường hợp người dưới 14 tuổi phạm tội gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 586 và Điều 599 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
- Người chưa thành niên mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
- Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Xem thêm: DỊCH VỤ LUẬT SƯ TẠI ĐỒNG NAI